Mỹ có bao nhiêu bang là câu hỏi của nhiều người khi tìm hiểu thông tin về nước Mỹ, hãy cùng Gateway Express tìm hiểu qua bài viết sau:

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (gọi tắt là Mỹ) có kích thước tương đương với toàn bộ châu Âu. Trong khu vực rộng lớn này, Mỹ được chia thành các tiểu bang, hạt và các đảo nhỏ. Các tiểu bang là các phân khu chính và được Hiến pháp Hoa Kỳ ban tặng một số quyền hạn và trách nhiệm.

Số tiểu bang của nước Mỹ

Có tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ.
Trong số 50 tiểu bang này, 48 tiểu bang tiếp giáp nhau, nghĩa là chúng được kết nối trực tiếp. 48 tiểu bang này đều nằm ở khu vực trung tâm của Bắc Mỹ giữa Mexico và Canada. Hai tiểu bang khác là Alaska và Hawaii. Alaska nằm ở phía tây bắc của lục địa Bắc Mỹ trong khi Hawaii nằm trên một quần đảo ở giữa Thái Bình Dương.

  • Delaware là bang lâu đời nhất ở đất nước này, đã được thành lập vào ngày 07 tháng 12 năm 1787.
  • Tiểu bang trẻ nhất là Hawaii được thành lập vào ngày 21 tháng 8 năm 1959.
  • Tiểu bang lớn nhất theo tổng diện tích là Alaska với 1.723.337 kilomet vuông
  • Tiểu bang nhỏ nhất là Rhode Island với tổng diện tích chỉ 4.001 kilomet vuông.
  • California là tiểu bang đông dân nhất với dân số khoảng 39.536.653
  • Trong khi đó, tiểu bang ít dân nhất là bang Utah chỉ có 579.315 người.

Danh sách các tiểu bang của Mỹ

Tiểu bang Alabama

Alabama là bang lớn thứ 30 tại Hoa Kỳ với tổng diện tích 52.419 dặm vuông Anh (135.760 km2)
Alabama giáp với Tennessee về phía bắc, Georgia về phía đông, Florida về phía nam, và Mississippi về phía tây. Alabama có một đường bờ biển, ở góc tây nam của bang.
Alabama có biệt danh là Yellowhammer State (Tiểu bang Chim cổ vàng), theo loài biểu tượng của bang. Alabama còn được gọi là “Heart of Dixie” (Tâm Dixie) và Cotton State (Tiểu bang Bông). Loài cây tượng trưng là thông lá dài (Pinus palustris), và loài hoa tượng trưng là hoa trà. Thủ phủ của Alabama là Montgomery. Thành phố lớn nhất theo dân số là Birmingham, mà từ lâu đã là thành phố được công nghiệp hóa mạnh mẽ nhất; thành phố lớn nhất theo diện tích là Huntsville. Thành phố cổ nhất là Mobile, thành lập bởi thực dân Pháp năm 1702 như thủ phủ của Louisiane thuộc Pháp.

Tiểu bang Alaska

Tiểu bang Alaska nằm tại đầu tây bắc của lục địa Bắc Mỹ. Alaska giáp với Canada ở phía đông, giáp với Bắc Băng Dương ở phía bắc, và giáp với Thái Bình Dương ở phía tây và phía nam, đối diện với Nga qua eo biển Bering. Alaska là bang có diện tích lớn nhất, ít dân thứ tư và thưa dân nhất tại Hoa Kỳ (do phần lớn diện tích nằm trong vùng cực Bắc). Xấp xỉ một nửa trong số 731.449 cư dân của Alaska sống trong vùng đô thị Anchorage. Chiếm vị thế chi phối trong nền kinh tế của Alaska là các ngành dầu mỏ, khí thiên nhiên, và ngư nghiệp, cũng là những tài nguyên mà Alaska có trữ lượng phong phú. Du lịch cũng là một thành phần quan trọng của nền kinh tế bang.
Bờ biển của Alaska dài hơn tổng chiều dài bờ biển của tất cả các bang khác tại Hoa Kỳ. Đây là bang không liền kề duy nhất của Hoa Kỳ nằm trên lục địa Bắc Mỹ; Alaska tách biệt với bang Washington qua 500 dặm (800 km) của tỉnh British Columbia (Canada). Alaska do vậy là một lãnh thổ tách rời của Hoa Kỳ, cũng có thể là vùng lãnh thổ tách rời lớn nhất trên thế giới. Về mặt kỹ thuật thì Alaska là một bộ phận của Hoa Kỳ lục địa, song bang vắng bóng trong cách dùng thông tục của từ này. Thủ phủ của bang là Juneau, thành phố nằm trên lục địa Bắc Mỹ, song không có liên kết bằng đường bộ với phần còn lại của hệ thống xa lộ Bắc Mỹ.

Tiểu bang Arizona

Arizona là một tiểu bang tại tây nam Hoa Kỳ. Đây cũng là một bang Tây Hoa Kỳ và thuộc vùng núi. Nó là bang lớn thứ sáu về diện tích và đông dân thứ 14. Thủ phủ và thành phố lớn nhất là Phoenix. Arizona là một trong bốn bang Four Corners. Nó tiếp giáp với New Mexico, Utah, Nevada, California, và México, và có một điểm chung với Colorado. Biên giới giữa Arizona và México dài 389 dặm (626 km), với các bang Sonora và Baja California của México.

Tiểu bang Arkansas

Thủ phủ Arkansas là Little Rock. Arkansas là tiểu bang duy nhất của Hoa Kỳ mà có kim cương tự nhiên (gần Murfreesboro). Do đó, đồng quarter Mỹ đặc biệt của Arkansas có một chiếc kim cương trên mặt trái (có chung quanh thân gạo và một con vịt trời bay trên hồ).

Biên giới phía đông của Arkansas là sông Mississippi, trừ ở hai quận Clay và Greene, ở đấy sông Saint Francis là biên giới phía tây của “Gót giày ống Missouri”. Arkansas bên cạnh Louisiana về phía nam, Missouri về phía bắc, Tennessee và Mississippi về phía đông, và Texas và Oklahoma về phía tây. Arkansas là miền đẹp có nhiều núi và thung lũng, rừng rậm, và đồng bằng tốt. Miền Tây Bắc Arkansas là một phần của Cao nguyên Ozark, bao gồm dãy núi Boston; vào miền nam có dãy núi Ouachita. Những vùng này được chia theo sông Arkansas; những vùng đông và nam của Arkansas được gọi Vùng đất thấp.

Tiểu bang California

California còn được người Việt gọi vắn tắt là Ca Li, là một tiểu bang ven biển phía tây của Hoa Kỳ. California kề cận với Thái Bình Dương, Oregon, Nevada, Arizona và tiểu bang Baja California của México. Tiểu bang này có nhiều cảnh tự nhiên rất đẹp, bao gồm Central Valley rộng rãi, núi cao, sa mạc nóng nực, và hàng trăm dặm bờ biển đẹp. Với diện tích 411,000 km2 (160,000 mi2), nó là tiểu bang lớn thứ ba của Hoa Kỳ và lớn hơn cả nước Đức và cũng như Việt Nam. Hầu hết các thành phố lớn của tiểu bang nằm sát hay gần bờ biển Thái Bình Dương, đáng chú ý là Los Angeles, San Francisco, San Jose, Long Beach, Oakland, Santa Ana/Quận Cam, và San Diego. Tuy nhiên, thủ phủ của tiểu bang, Sacramento, là một thành phố lớn nằm trong thung lũng Trung tâm. Trung tâm địa lý của tiểu bang thuộc về Bắc Fork, California.

Tiểu bang Colorado

Colorado là một trong ba tiểu bang có các ranh giới nằm trên vĩ tuyến và kinh tuyến (hai tiểu bang kia là Wyoming và Utah). Tiểu bang bắt đầu từ 37° đến 41° vĩ độ bắc và từ 102° đến 109° kinh độ tây. Đài kỷ niệm Bốn Gốc ở cực tây nam ở 37° vĩ độ bắc và 109° kinh độ tây.
Tiểu bang này được đặt tên theo từ “Colorado” trong tiếng Tây Ban Nha, từ này có nghĩa là “hơi màu đỏ”, có thể là để chỉ đến những sự hình thành sa thạch màu đỏ ở vùng đó hoặc là màu đỏ nâu của sông Colorado.

Tiểu bang Connecticut

Connecticut giáp với eo biển Đảo Dài (Long Island Sound) về phía nam, với Tiểu bang New York về phía tây, với Massachusetts về phía bắc, và với Rhode Island về phía đông. Thủ phủ là Hartford, và các thành phố lớn kia bao gồm New Haven, New London, Norwich, Stamford, Waterbury, Torrington, và Bridgeport. Tiểu bang này có tất cả 169 thị trấn. Hartford và New Haven cạnh tranh nhau bằng hãnh diện và kinh tế, có lâu từ khi hai thành phố đó chia quyền thủ phủ, và cả từ khi New Haven và Hartford là hai thuộc địa riêng.
Connecticut có khí hậu ôn hòa với đường bờ biển dài quanh vịnh Long Island. Điều này đã giúp bang có truyền thống phát triển ngành hàng hải từ lâu đời. Bang Connecticut hiện nay được biết đến với sự giàu có bậc nhất Hoa Kỳ. Từ thế kỉ 18, tiểu bang đã bắt đầu phát triển công nghiệp chế tạo và các tập đoàn tài chính: những công ty bảo hiểm đầu tiên ở Hartford và quỹ tự bảo hiểm rủi ro đầu tiên ở quận Fairfield. Nhờ đó, Connecticut có thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và thu nhập bình quân hộ gia đình cao nhất Hoa Kỳ.

Tiểu bang Delaware

Delaware là tiểu bang nhỏ thứ hai của Hoa Kỳ. Nó giáp với Pennsylvania về phía bắc, với sông Delaware và Đại Tây Dương về phía đông, và với Maryland về phía tây và nam. Một số phần nhỏ của Delaware nằm vào bên xa, tức là bên đông, của cửa sông Delaware, và những mảnh đất này có biên giới trên đất với New Jersey. Cùng với các quận Bờ biển Đông của Maryland và hai quận của Virginia, tiểu bang Delaware là một phần của bán đảo Delmarva, một đơn vị địa lý kéo dài xuống bờ biển Trung Đại Tây Dương.

Tiểu bang Florida

Khí hậu tại Florida được điều hòa phần nào vì mọi nơi tại bang đều năm không quá xa biển.
Phần lớn bang Florida nằm trên một bán đảo giữa vịnh Mexico, Đại Tây Dương và eo biển Florida. Florida trải dài trên hai múi giờ, duỗi thẳng về tây bắc tạo thành một cán xoong, dọc theo phía bắc của vịnh Mexico. Ở phía bắc, Florida giáp với các bang Georgia và Alabama, và ở cực tây, cũng là phần cuối của cán xoong, là Alabama. Florida lân cận với hai quốc gia Bahamas và Cuba. Florida là một trong các bang lớn nhất ở phía đông của sông Mississippi, và chỉ xếp sau Alaska và Michigan về diện tích nội thủy.

Tiểu bang Georgia

Georgia nằm giáp với Florida về phía nam, với Đại Tây Dương và Nam Carolina về phía đông, với Alabama về phía tây, và với Tennessee và Bắc Carolina về phía bắc. Miền bắc của tiểu bang này nằm trên dãy núi Blue Ridge, một dãy núi thuộc hệ thống núi của dãy Appalachian. Vùng piedmont ở miền trung kéo dài từ chân núi tới đường thác nước, ở đường này các sông chảy xuống thác nước tới cao độ của đồng bằng ven biển của lục địa ở phần nam của tiểu bang. Nơi cao nhất ở Georgia là Brasstown Bald (núi Brasstown) có cao độ 1.458 mét (4.784 foot); những nơi thấp nhất của tiểu bang bằng với mực nước biển.

Thủ phủ của Georgia là Atlanta, nằm ở miền trung bắc của tiểu bang, và quả đào là trái cây tượng trưng cho tiểu bang. Các sản phẩm nông nghiệp quan trọng của Georgia là cây hồ đào (pecan), bông, cây thuốc lá, và lâm sản, nhất là những cái gọi “naval store”, như là nhựa và colophan được lấy từ những rừng cây thông.

Tiểu bang Hawaii

Hawaiʻi là tiểu bang duy nhất của Hoa Kỳ có nước chung quanh. Vì không thuộc lục địa Hoa Kỳ, nó là một trong hai tiểu bang không giáp với tiểu bang khác (Alaska là tiểu bang kia). Nó cũng là cực nam của Hoa Kỳ, là tiểu bang duy nhất nằm hoàn toàn trong miền nhiệt đới, và tiểu bang duy nhất không thuộc về châu lục nào. Hawaiʻi cũng là tiểu bang duy nhất đang tiếp tục nâng lên, do các dòng dung nham đang chảy, nhất là từ núi lửa Kīlauea.

Quần đảo Hawaiʻi bao gồm 19 đảo và đảo san hô kéo dài 2.400 km (1.500 dặm). Các đảo chính là tám đảo cao nhất về phía đông nam của dãy đảo. Các đảo này, theo vị trí từ phía tây bắc tới phía đông nam, có những tên: Niʻihau, Kauaʻi, Oʻahu, Molokaʻi, Lānaʻi.

Tiểu bang Idaho

Idaho giáp với Washington, Oregon, Nevada, Utah, Montana, Wyoming, và tỉnh British Columbia của Canada, biên giới Idaho–BC kéo dài 77 kilômét (48 dặm). Phong cảnh có đất gồ ghề và vài trong những vùng lớn nhất được để yên trong nước Mỹ. Tiểu bang này thuộc về dãy núi Rocky và có cảnh hay và rất nhiều tài nguyên. Nó có những dãy núi cao ngất có phủ tuyết, thác ghềnh, hồ yên ổn, và hẻm núi sâu. Nước của sông Snake chảy qua hẻm Hells, nó sâu hơn Grand Canyon. Thác Shoshone xuống những vách đá gồ ghề từ cao hơn thác Niagara.

Tiểu bang Illinois

Illinois là tiểu bang thứ 21 của Hoa Kỳ, gia nhập liên bang năm 1818. Illinois là tiểu bang đông dân nhất vùng Trung Tây nước Mỹ và đứng thứ năm toàn liên bang về dân số. Chicago nằm ở phía đông bắc là thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế hàng đầu tại Illinois. Đây cũng là thành phố lớn thứ ba nước Mỹ, chỉ sau thành phố New York và Los Angeles. Thủ phủ của tiểu bang đặt tại thành phố nhỏ Springfield.

Tiểu bang Indiana

Indiana giáp với hồ Michigan và tiểu bang Michigan về phía bắc, với Ohio về phía đông, với Kentucky về phía nam theo đường chảy của sông Ohio, và với Illinois về phía tây. Indiana thuộc về vùng Ngũ Đại Hồ.

Tiểu bang Iowa

Địa hình của tiểu bang là đồng bằng đồi nhỏ. Những đồi hoàng thổ nằm trên đường biên giới tây của tiểu bang. Vài trong những đồi này dày đến vài trăm foot. Vào miền đông bắc theo sông Mississippi có một phần của Đới Phi đất bồi, ở đấy đất có những đồi gồ ghề thấp có cây tùng bách – loại đất bất thường trong Idaho.

Tiểu bang Kansas

Kansas giáp với Nebraska về phía bắc, Missouri về phía đông, Oklahoma về phía nam, và Colorado về phía tây. Nó nằm cách đều Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trung tâm đo đạc của Bắc Mỹ nằm thuộc Quận Osborne. Chỗ này được sử dụng làm vị trí tham khảo cho các bản đồ được vẽ bởi chính phủ. Trung tâm địa lý của các tiểu bang đất liền thuộc về Quận Smith gần Lebanon, Kansas, và trung tâm địa lý của Kansas ở thuộc Quận Barton.

Tiểu bang Kentucky

Kentucky, có tên hiệu The Bluegrass State (Tiểu bang Cỏ poa), tiếp giáp với cả những tiểu bang miền Trung Tây và miền Trung Nam như Tây Virginia và Virginia về phía đông, Tennessee về phía nam, Missouri về phía tây, và Illinois, Indiana và Ohio về phía bắc.
Kentucky là tiểu bang duy nhất ở nước Mỹ có một vùng đất lọt vào giữa tiểu bang khác. Ở xa miền tây Kentucky có Kentucky Bend, một miến đất nhỏ trên bờ sông Mississippi. Nó giáp với Missouri và Tennessee (theo đường sông), do động đất New Madrid tạo ra.

Tiểu bang Louisiana

Louisiana là một tiểu bang tọa lạc ở miền Nam Hoa Kỳ. Louisiana là bang rộng lớn thứ 31 và bang đông dân thứ 25 trong 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Thủ phủ là Baton Rouge, còn thành phố lớn nhất là New Orleans. Louisiana là bang duy nhất của Hoa Kỳ mà phân cấp hành chính được gọi là “parish”, tương đương với “county” ở các bang khác. Parish lớn nhất theo dân số là Đông Baton Rouge, và lớn nhất theo diện tích là Plaquemines. Louisiana tiếp giáp với Arkansas về phía bắc, Mississippi về phía đông, Texas về phía tây, và vịnh México về phía nam.
Louisiana được đặt theo tên Louis XIV, Vua của Pháp, trị vì từ năm 1643 đến 1715.

Tiểu bang Maine

Maine là một tiểu bang trong vùng New England của Hoa Kỳ. Về phía nam và phía đông là Đại Tây Dương, phía đông bắc là New Brunswick, một tỉnh của Canada. Tỉnh Québec của Canada về phía tây bắc. Maine là bang lớn nhất và nằm xa nhất về phía bắc của vùng New England, phía tây giáp New Hampshire. Maine là bang duy nhất chỉ giáp với một tiểu bang khác. Thành phố xa nhất về phía đông là Eastport, và thị trấn xa nhất về phía đông là Lubec. Đây là tiểu bang có rất nhiều thành phố, thị trấn được đặt theo tên các thành phố lớn như Rome, Moscow, Madrid, Paris, Vienna, Stockholm…

Tiểu bang Maryland

Maryland là một tiểu bang vùng Trung Đại Tây Dương của Hoa Kỳ, nằm trên bờ biển phía đông của Hoa Kỳ.
Maryland phía bắc giáp Pennsylvania; phía tây giáp Tây Virginia; phía bắc và phía đông là Delaware và Đại Tây Dương; và về phía nam, bên kia sông Potomac, là Virginia và Tây Virginia. Phần giữa của đường biên giới này bị cắt ở phía Maryland bởi Washington, D.C., nằm trên vùng nguyên là của Maryland. Vịnh Chesapeake gần như cắt đôi bang này, và những quận phía đông của vịnh được biết đến với cái tên chung là Eastern Shore.
Đại học Maryland là đại học nổi tiếng nhất ở tiểu bang này.
Biệt danh của tiểu bang Maryland là The Old Line State và The Free State

Tiểu bang Massachusetts

Massachusetts, tên chính thức: Thịnh vượng chung Massachusetts, là tiểu bang đông dân nhất của khu vực New England thuộc vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Phía đông Massachusetts giáp với Đại Tây Dương, phía nam giáp với các tiểu bang Connecticut và Rhode Island, phía bác giáp với New Hampshire và Vermont, và phía tây giáp với tiểu bang New York. Thủ đô của Massachusetts và thành phố lớn nhất của New England là Boston. Hơn 80% dân số của bang Massachusetts sống ở vùng đô thị Boston, khu vực có nhiều ảnh hưởng đến lịch sử và kinh tế Hoa Kỳ. Cảng Hàng không Quốc tế Boston-Logan là cảng hàng không tấp nập nhất của khu vực New England. Từ một vùng đất mậu dịch và nông nghiệp-thủy sản, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, tiểu bang Massachusetts đã trở thành một trung tâm sản xuất. Trong thế kỉ thứ 20, nền kinh tế của Massachusetts chuyển từ sản xuất sang dịch vụ. Hiện nay, Massachusetts là khu vực tiên phong trên thế giới trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục bậc cao và giao thương hàng hải.

Tiểu bang Michigan

Michigan là một tiểu bang thuộc vùng Bắc-Đông Bắc của Hoa Kỳ, giáp Canada. Bang này được đặt tên theo hồ Michigan, vốn có xuất xứ từ tiếng Ojibwe là mishigami có nghĩa là “hồ nước lớn”. Michigan là bang đông dân thứ 8 trong 50 bang của Mỹ. Thủ phủ của nó là Lansing, thành phố lớn nhất là Detroit. Michigan chính thức được sáp nhập vào liên bang vào ngày 26 tháng 1 năm 1837 và trở thành bang thứ 26 của Hoa Kỳ.

Tiểu bang Minnesota

Minnesota là một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ. Minnesota được thành tiểu bang thứ 32 của Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 5 năm 1858. Nó được tạo ra từ lãnh thổ của Minnesota và Wisconsin. Cái tên Minnesota bắt nguồn từ tên mini sota trong tiếng Dakota cho sông Minnesota, nghĩa là “nước trong xanh.”
Minnesota được biết đến như là một nơi với xã hội, chính trị đa dạng và có tỉ lệ người dân đi bầu cử cao. Minnesota được xếp hạng một trong những tiểu bang tốt nhất ở Hoa Kỳ, và có tỉ lệ biết đọc cao. Đa số dân ở Minnesota là người có nguồn gốc Đức và Scandinavia. Tiểu bang còn được biết đến như trung tâm văn hóa của người Mỹ gốc Scandinavia. Mức độ đa dạng chủng tộc gia tăng đáng kể trong các thập kỷ gần đây. Các sắc tộc như người Mỹ gốc châu Phi, người Châu Á, người Latin và Mễ đã hòa nhập với người dân bản địa Minnesota, bao gồm cả người da đỏ như người Dakota, Ojibwe, and Ho-Chunk. Chỉ số đời sống của Minnesota là nằm trong những tiểu bang có chỉ số cao nhất ở Hoa Kỳ và tiểu bang này còn là một trong những tiểu bang có học vấn và giàu nhất Hoa Kỳ.

Tiểu bang Mississippi

Mississippi là một tiểu bang phía nam của Hoa Kỳ. Tên của tiểu bang lấy từ tên sông Mississippi, chảy dọc theo biên giới phía tây. Cái tên đó có nguồn gốc hoặc là từ tiếng Ojibwe, một loại tiếng của người bản địa Bắc Mỹ được nói ở thượng nguồn dòng sông, hoặc là trong tiếng Algonquian, với nghĩa là “sông lớn”. Một số tên hiệu khác được gán cho Mississippi là Magnolia State và Hospitality State.

Tiểu bang Missouri

Missouri được đặt tên theo tiếng bộ lạc Siouan nghĩa là “thành phố của nhiều tàu lớn”, là một tiểu bang ở vùng trung tâm của Hoa Kỳ. Được xem bởi những người cư ngụ ở đó như là một tiểu bang vùng Trung Tây nhưng có rất nhiều ảnh hưởng văn hóa của miền nam.
Biên giới của Missouri chạm tổng cộng 8 tiểu bang khác. (Tiểu bang Tennessee kế cận cũng như vậy. Không có tiểu bang nào của Hoa Kỳ chạm hơn 8 tiểu bang khác). Bao bọc về phía bắc bởi Iowa; về phía đông, bên kia sông Mississippi, là Illinois, Kentucky và Tennessee; về phía nam là Arkansas; và phía tây là Oklahoma, Kansas và Nebraska (tiểu bang sau ở bên kia sông Missouri).

Tiểu bang Montana

Montana là một tiểu bang nằm ở miền tây bắc Hoa Kỳ, là bang thứ 41 gia nhập liên bang vào ngày 8 tháng 11 năm 1889. Thủ phủ của Montana là thành phố Helena, còn thành phố lớn nhất là Billings và Great Falls.

Tiểu bang Montana nổi tiếng với những vùng đồi núi rộng lớn và hùng vĩ thuộc phía bắc dãy núi Rocky. Là tiểu bang đứng thứ 4 về diện tích nhưng dân số lại đứng hàng 44 nên Montana là một trong những tiểu bang dân cư thưa thớt nhất Hoa Kỳ. Nền kinh tế của tiểu bang này chủ yếu dựa trên hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ, khoáng sản và du lịch.

Tên gọi Montana của tiểu bang bắt nguồn từ montaña (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “núi”). Montana còn được gọi là Tiểu bang Kho báu (“The Treasure State”) do có nhiều tài nguyên thiên nhiên to lớn hoặc Bang có bầu trời rộng (“Big Sky Country”) bởi phong cảnh rừng núi hoang sơ kỳ vĩ tại đây. Montana có nhiều khu công viên quốc gia đẹp nổi tiếng.

Tiểu bang Nebraska

Nebraska là một tiểu bang thuộc vùng Đồng bằng Lớn và Trung Tây của Hoa Kỳ. Tiểu bang Nebraska giáp với tiểu bang Nam Dakota về phía bắc, Iowa về phía đông, Missouri về phía đông nam, Kansas về phía nam, Colorado về phía tây nam và Wyoming về phía tây. Tiểu bang có diện tích hơn 200.000 km² và dân số khoảng 1,9 triệu người. Thủ phủ của bang là thành phố Lincoln và thành phố đông dân nhất là Omaha nằm bên sông Missouri.

Tiểu bang Nevada

Nevada là tiểu bang có diện tích rộng hàng thứ 7 tại Hoa Kỳ, bao gồm vùng Bồn Địa Lớn (“Great Basin”) về phía bắc và sa mạc Mojave về phía nam. Năm 2006, ước tính dân số Nevada đạt 2,6 triệu người, với 85% dân cư sinh sống trong các khu vực đại đô thị Las Vegas và Reno. Từ một tiểu bang mà phần lớn đất đai khô cằn, ít người sinh sống, ngày nay Nevada đã vươn lên trở thành một trong những bang giàu mạnh nhất nước Mỹ với những ngành kinh tế chủ lực là khai mỏ, chăn nuôi, sòng bạc và du lịch.

Tiểu bang New Hampshire

New Hampshire là một tiểu bang thuộc vùng New England ở phía đông-bắc của Hoa Kỳ. Tiểu bang này bảy vùng khác nhau: Seacoast, Dartmouth – Lake Sunapee, Lakes Region, Merrimack Valley, Monadnock Region, White Mountains và Great North Woods.
Ðây là nơi sinh của Tổng thống Franklin Pierce (tại Hillsboro).

Tiểu bang New Jersey

New Jersey là một trong 4 tiểu bang nhỏ nhất của Hoa Kỳ.
Tiểu bang nằm ven bờ Đại Tây Dương, phía bắc giáp New York, nam giáp Delaware, và phía tây là Pennsylvania.
Ðây là nơi sinh của Tổng thống Grover Cleveland (tại Cadwell).

Tiểu bang New Mexico

New Mexico là một tiểu bang tọa lạc ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ. New Mexico trở thành bang thứ 47 vào ngày 6 tháng 1 năm 1912. Nó thường được xem là một tiểu bang miền Núi. New Mexico có diện tích lớn thứ năm, dân số lớn thứ 36, và mật độ dân số thấp thứ sáu trong 50 tiểu bang Hoa Kỳ.

Tiểu bang New York

Thành phố New York là thành phố lớn nhất tiểu bang đồng thời cũng là thành phố lớn nhất nước Mỹ. Thành phố này được biết đến như cửa ngõ cho dòng người nhập cư vào nước Mỹ trong lịch sử và ngày nay phát triển thành một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa lớn của thế giới. Tuy nhiên thủ phủ của tiểu bang New York lại nằm ở thành phố Albany.
Ðây là nơi sinh của các Tổng thống Theodore Roosevelt (tại thành phố New York), Franklin Delano Roosevelt (tại Hyde Park), Martin Van Buren (tại Kinderhook), Millard Fillmore (tại Cayuga County).

Tiểu bang Bắc Carolina

North Carolina hay Bắc Carolina là một tiểu bang phía nam của Hoa Kỳ. Là một trong những tiểu bang đầu tiên, đó là thuộc địa đầu tiên của Anh ở châu Mỹ. Đây cũng là nơi những chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright bằng máy bay — những khí cụ bay đầu tiên nặng hơn không khí.

Ðây là nơi sinh của các Tổng thống James Knox Polk (tại Mecklenburg County), Andrew Johnson (tại Raleigh).

Tiểu bang Bắc Dakota

North Dakota là một tiểu bang Hoa Kỳ, xa nhất về phía bắc của các tiểu bang trong khu vực Đồng bằng Lớn thuộc Trung Tây Hoa Kỳ, mặc dù trong suốt thế kỉ 19 được xem như là một phần của miền tây hoang dã. Sông Missouri chảy qua phần phía tây của tiểu bang này, tạo thành hồ Sakakawea sau đập Garrison.

Trước đây là một phần của lãnh địa Dakota (đặt theo tên bộ tộc Dakota của dân bản địa châu Mỹ), Bắc Dakota trở thành một tiểu bang vào năm 1889.

Tiểu bang Ohio

Ohio là một tiểu bang khu vực Trung Tây (cũ) nằm ở miền đông bắc Hoa Kỳ. Tên “Ohio” theo tiếng Iroquois có nghĩa là “sông đẹp” và đó cũng là tên của một dòng sông dùng làm ranh giới phía nam của tiểu bang này với tiểu bang Kentucky.

Tiểu bang Oklahoma

Oklahoma là tiểu bang có diện tích rộng thứ 20 Hoa Kỳ. Oklahoma là một tiểu bang sản xuất nhiều dầu mỏ, khí đốt và thực phẩm cho nước Mỹ. Kinh tế của tiểu bang chủ yếu dựa trên các ngành hàng không, năng lượng, viễn thông và công nghệ sinh học. Oklahoma hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất nước Mỹ, đứng thứ ba liên bang về tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tiểu bang Oregon

Oregon trở thành tiểu bang thứ 33 của Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 2 năm 1859. Oregon nằm trên duyên hải Thái Bình Dương giữa tiểu bang Washington ở phía bắc, California ở phía nam, Nevada ở phía đông nam và Idaho ở phía đông. Sông Columbia và sông Snake tạo thành các ranh giới phía bắc và đông của Oregon theo thứ tự vừa kể. Salem là thành phố đông dân thứ ba của tiểu bang và cũng là thủ phủ. Thành phố đông dân nhất tiểu bang là Portland. Hiện tại Portland đứng thứ 30 trong số các thành phố lớn nhất Hoa Kỳ với dân số 575.930 người (ước tính năm 2008) và dân số vùng đô thị là 2.175.133 (ước tính năm 2007), vùng đô thị lớn thứ 23 tại Hoa Kỳ.

Tiểu bang Pennsylvania

Pennsylvania là một tiểu bang phía đông Hoa Kỳ. Là một trong Mười ba Thuộc địa thành lập nên nước Mỹ, nó được biết đến như là Keystone State, phù hợp với vị trí trung tâm giữa các thuộc địa nguyên thủy, hay là Quaker State. Với công nghiệp chế tạo Conestoga wagon và súng trường, và thuốc lá, đó là một khu vực chuyển tiếp xuyên quốc gia có nhiều đặc điểm của cả công nghiệp hóa triệt để của miền bắc và nông nghiệp của miền nam.
Pennsylvania có hai khu vực giáp nước: 100 km (63 dặm) đường biên dọc theo hồ Erie và 92 km (57 dặm) dọc theo Delaware Estuary. Philadelphia có một cảng biển lớn và nhiều nhà máy đóng tàu trên sông Delaware.
Bang này có 5 nhà máy điện hạt nhân, hơn hẳn các tiểu bang khác.

Tiểu bang Đảo Rhode

Rhode Island là tiểu bang có diện tích nhỏ nhất Hoa Kỳ. Tên chính thức của tiểu bang này là State of Rhode Island and Providence Plantations (Tiểu bang Rhode Island và các Đồn điền Providence). Đảo Rhode thường được gọi là Đảo Aquidneck, còn Providence là thủ thủ của tiểu bang, đề cập đến sự Quan phòng của Thiên Chúa (thiên hựu). Tiểu bang này có nhiều toà nhà cổ xây theo kiểu Victoria. Rhode Island là khu thuộc địa Anh đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh, ký Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 5 năm 1776.

Tiểu bang Nam Carolina

Nam Carolina là tiểu bang lớn thứ 40 và đông dân thứ 23 của Hoa Kỳ. GDP của nó vào năm 2013 là 183,6 tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,13%. Nam Carolina bao gồm 46 quận. Thủ phủ là Columbia với dân số năm 2016 là 134.309; trong khi thành phố lớn nhất của nó là Charleston với dân số năm 2016 là 134.385

Tiểu bang Nam Dakota

South Dakota hay Nam Dakota là một trong năm mươi tiểu bang của nước Mỹ, nằm ở trung bắc Mỹ, phía bắc giáp North Dakota, nam giáp Nebraska, tây giáp Wyoming, đông giáp Missouri. South Dakota còn có một tên gọi khác là “tiểu bang Đỉnh Rushmore”. Thủ đô của South Dakota là thành phố Pierre.
Các thành phố lớn thuộc South Dakota: Sioux Falls, Rapid City.

Tiểu bang Tennessee

Tennessee được công nhận là một bang thứ 16 của Hoa Kỳ vào ngày 01 tháng 06 năm 1796. Bang này nằm cạnh 8 tiểu bang khác: Kentucky và Virginia về phía bắc; Bắc Carolina ở phía đông; phía nam giáp Georgia, Alabama và Mississippi; và phía tây là Arkansas và Missouri.
Tennessee là bang lớn thứ 36 về diện tích và thứ 17 về dân số ở Hoa Kỳ. Thủ phủ bang và là thành phố lớn thứ hai bang là Nashville, Tennessee, có dân số 609,644. Memphis, Tennessee là thành phố lớn nhất với dân số 652,050. Tennessee còn là quê hương của nhạc đồng quê.

Tiểu bang Texas

Texas là tiểu bang đông dân thứ hai và có diện tích lớn thứ hai trong số 50 tiểu bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và là tiểu bang lớn nhất trong số 48 tiểu bang liền kề của Hoa Kỳ. Về mặt địa lý, Texas nằm ở vùng Trung Nam của quốc gia, có biên giới quốc tế với các bang Chihuahua, Coahuila, Nuevo León, và Tamaulipas của México; bên trong Hoa Kỳ, Texas có biên giới với tiểu bang New Mexico ở phía tây, Oklahoma ở phía bắc, Arkansas ở phía đông bắc, và Louisiana ở phía đông. Texas có diện tích 696.200 kilômét vuông (268.800 sq mi) với 26,1 triệu cư dân.

Houston là thành phố lớn nhất tại Texas và là thành phố lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, còn San Antonio là thành phố lớn thứ hai của tiểu bang và lớn thứ bảy tại Hoa Kỳ.

Tiểu bang Utah

Utah được biết đến như một tiểu bang rất đa dạng về địa hình, từ những dãy núi cao tuyết phủ cho đến những thung lũng sông và các sa mạc đá khô cằn, khắc nghiệt. Tiểu bang này còn được biết đến với tỉ lệ tương đồng về tôn giáo cao nhất liên bang.
Tiểu bang Uath là một trung tâm về giao thông vận tải, công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, khai thác khoáng sản và du lịch, đặc biệt là những khu trượt tuyết. Thành phố Salt Lake, thủ phủ của tiểu bang Utah là nơi đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2002.

Tiểu bang Vermont

Vermont là một tiểu bang Hoa Kỳ nằm trong vùng New England. Bang này xếp thứ 43 về diện tích đất (9.250 dặm vuông), là bang có nhiều vùng đồng quê nhất, và dân số (608.827) nhỏ thứ nhì trong 50 tiểu bang. Là bang duy nhất trong vùng New England không có bờ biển dọc theo Đại Tây Dương, Vermont được biết đến nhiều với Green Mountains ở phía tây và hồ Champlain ở phía tây bắc. Giáp với Massachusetts về phía nam, New Hampshire về phía đông, New York về phía tây, và Québec của Canada về phía bắc.

Tiểu bang Virginia

Virginia có tên hiệu là “Old Dominion” do từng là một lãnh thổ tự trị cũ của quân chủ Anh, và “Mother of Presidents” do bang là nơi sinh của nhiều tổng thống Hoa Kỳ nhất. Dãy núi Blue Ridge và vịnh Chesapeake định hình địa lý và khí hậu của Virginia, cung cấp môi trường sống cho phần lớn động thực vật trong bang. Thủ phủ của bang là Richmond; song Virginia Beach là thành phố đông dân nhất, còn Fairfax là quận hành chính đông dân nhất.

Tiểu bang Washington

Tiểu bang Washington là một bang ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, phía bắc giáp với Canada, phía nam giáp với Oregon. Thủ phủ của tiểu bang là Olympia còn thành phố lớn nhất là Seattle. Bang lấy tên của George Washington, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tổng diện tích: 184.827 km², dân số: 7 triệu người (năm 2013), mật độ dân số: 39,6 người/km².

Tiểu bang Tây Virginia

West Virginia là một tiểu bang Hoa Kỳ trong vùng Appalachia, nói chung được biết đến như là The Mountain State. Tây Virginia ly khai khỏi Khối thịnh vượng chung Virginia trong suốt Nội chiến Hoa Kỳ và được chấp nhận vào Liên Bang như là một bang tách biệt ngày 20 tháng 6 năm 1863 (ngày kỉ niệm West Virginia Day ở tiểu bang này). Nó là bang duy nhất được thành lập do kết quả trực tiếp của nội chiến Mỹ.

Tiểu bang Wisconsin

Từ lúc thành lập tiểu bang, Wisconsin đã là một cộng đồng đa chủng. Người Mỹ là nhóm người đầu tiên di cư đến đây từ New York và New England. Họ thống trị trong ngành công nghiệp nặng, tài chính, chính trị và giáo dục. Sau đó, nhiều người Âu Châu kéo đến, trong đó có người Đức, phần lớn đến giữa năm 1850 và 1900, những người Scandinavia (đa số là Na Uy) và một số ít người Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan, Ái Nhĩ Lan và các sắc dân khác. Đến thế kỷ 20, rất nhiều người Ba Lan và con cháu của những người nô lệ kéo đến, phần lớn định cư tại Milwaukee.
Thủ phủ của bang hiện nay là thành phố Madison.

Tiểu bang Wyoming

Đây là tiểu bang rộng thứ 10, ít dân nhất, và thưa dân thứ 2 đất nước. Wyoming giáp Montana về phía bắc, South Dakota và Nebraska về phía đông, Colorado về phía nam, Utah về phía tây nam, Idaho và Montana về phía tây.
Kinh tế Wyoming dựa trên khai khoáng — chủ yếu là than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, trona — và du lịch. Sản phẩm nông nghiệp gồm thịt gia súc (thịt bò), rơm, củ cải đường, lúa mì, đại mạch, và len. Khí hậu mang tính bán hoang mạc và lục địa, khô khan và nhiều gió hơn phần còn lại Hoa Kỳ.

Bạn cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến dịch vụ gửi hàng đi Mỹ hãy liên hệ Gateway để được tư vấn thêm.

Tổng hợp thông tin từ Wikipedia

Rate this post